Nhiều người chỉ biết bật tắt và tăng giảm nhiệt độ điều hòa, thực ra điều hòa còn có nhiều công dụng hơn thế.
|
Ảnh: winudf
|
1. Cài đặt giờ (Clock) - Hẹn giờ (Time on/Time off hoặc On Timer)
Nút này khiến điều hòa nhiệt độ có giá trị giống như một chiếc đồng hồ điện tử. Khi bạn nhấn nút Clock, các số 0:00 ở góc dưới bên phải màn hình sẽ hiện lên và nhấp nháy. Bạn chỉ việc nhấn nút ▲ hoặc + (tiến) và ▼ hoặc - (lùi) để đặt thời gian hiện hành, ví dụ 09:06.
Việc cài đặt giờ là để giúp cho việc hẹn giờ về sau chính xác hơn. Lưu ý, mỗi lần thay pin cho điều khiển, bạn phải cài đặt giờ lại.
Chức năng hẹn giờ rất tiện lợi để bật hoặc tắt máy điều hòa vào ban đêm, để bạn có thể ngủ một mạch tới sáng, không phải trở dậy tắt điều hoà.
2. Khi nào nên dùng chế độ Auto - Cool - Dry
Khi nhấn nút Mode và chọn Auto (tự động), máy sẽ tự động chọn chương trình cài đặt sẵn thích hợp nhất với nhiệt độ ngoài nhà và nhiệt độ hiện tại trong nhà.
Nếu muốn theo ý mình, bạn có thể bấm Mode rồi chọn các chế độ Dry (làm khô) hay Cool (làm mát). Điều hòa hai chiều có thêm chế độ Heat (sưởi ấm). Mỗi lần ấn nút, các chế độ sẽ lần lượt hiện ra.
Nên chọn Dry khi độ ẩm trong không khí ở mức cao, nhiệt độ không quá nóng. Dry rất hữu ích trong tiết trời nồm ở miền Bắc, giúp nhà khô thoáng hơn. Dry kết hợp với cài đặt nhiệt độ có thể dùng cho cả mùa hè và mùa đông.
3. Chọn chế độ quạt (Fan)
Fan cũng có chế độ Auto (tự động), Low, Medium, High (hoặc với một số điều khiển nó sẽ có biểu hiện lần lượt là 1 chấm, 3 chấm, 5 chấm).
Chọn Auto, máy sẽ tự động chọn chương trình cài đặt sẵn thích hợp nhất với nhiệt độ ngoài nhà và nhiệt độ hiện tại trong nhà. Chọn Low, quạt của điều hòa sẽ nhẹ. Nếu muốn mát vừa, bạn chọn quạt Medium. Mát nhiều, chọn High.
Quạt càng to đồng nghĩa với điện năng sẽ tiêu tốn càng nhiều, điều hòa càng ồn và không khí trong phòng cũng như da bạn càng chóng khô. Thay đổi một nấc gió sẽ cho bạn cảm nhận giống như thay đổi một độ C khi đặt nhiệt độ cho điều hòa.
Nếu chỉ tính riêng quạt, cùng một công suất tương đương thì lưu lượng gió đi qua cửa quạt ở điều hòa sẽ thấp hơn lưu lượng gió đi qua một chiếc quạt thuần túy. Vì vậy, muốn tiết kiệm điện, bạn nên bật quạt điều hòa ở chế độ thấp nhất, kèm thêm một chiếc quạt phụ bên ngoài hơn là chỉ bật quạt điều hòa ở chế độ cao nhất.
4. Vận hành công suất tối đa
Hầu hết các loại máy đều có chế độ vận hành mạnh mẽ (nút Powerfull) khi xả lạnh cho phòng. Khi nhấn vào nút này, máy đạt năng suất tối đa. Theo một số hãng, khi bấm nút này, năng suất lạnh có thể đạt 130%. Sau 20 phút máy sẽ tự động quay lại chế độ vận hành bình thường. Ta cũng có thể nhấn nút Powerfull một lần nữa để tắt chế độ vận hành công suất tối đa.
5. Vận hành ban đêm (Night hoặc Sleep)
Khi nhấn nút này, nếu ở chế độ làm lạnh mùa hè thì nhiệt độ trong phòng sau mỗi giờ tăng thêm một độ C rồi giữ nguyên. Ví dụ đặt 27 độ C, nhấn nút, sau một giờ nhiệt độ lên thành 28 độ C và sau 2 giờ lên 29 độ C và giữ ở mức này cho đến khi máy dừng.
Chế độ này thích ứng với việc thân nhiệt khi đi ngủ thường giảm xuống, và bạn sẽ thấy lạnh hơn sau một lúc nằm im. Do vậy máy sẽ tự động nâng nhiệt độ để bạn không bị lạnh.
6. Chức năng sinh ra ion âm làm mềm không khí (e-ion)
Bình thường khi điều hòa hoạt động, sẽ tạo ra các ion dương và đốt cháy các ion âm trong không khí, khiến không khí có cảm giác khô cứng. Bật chức năng e-ion sẽ tạo ra các các ion âm giúp môi trường cân bằng hơn, tạo cảm giác dễ chịu. Chức năng này cũng giúp lọc sạch bụi bẩn và vi khuẩn trong không khí.